Kinh Tế
Cùng với sự phục hồi của ngành du lịch, dịch vụ, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng được nhận định là kênh đầu tư tiềm năng sau đại dịch Covid-19.
Bật dậy cùng du lịch
Ngay sau khi lệnh cách ly toàn xã hội được gỡ bỏ, dịch Covid-19 được kiểm soát tại Việt Nam, ngành du lịch đã lập tức “thức tỉnh” sau kỳ đóng cửa “ngủ đông”. Chưa thể mở cửa với khách quốc tế, một cuộc kích cầu nội địa khổng lồ trên diện rộng đã được kích hoạt nhằm khai thác thị trường đang chiếm tới khoảng 82% trong tổng số khách du lịch hiện nay.
Tại Hội nghị “Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt” do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp với Tổng cục Du lịch, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) tổ chức chiều 16.5, ông Trần Trọng Kiên, thành viên Ban IV – Chủ tịch TAB, dự báo thị trường du lịch nội địa có thể tăng 95% trong tháng còn lại của năm 2020. Cơ sở cho dự báo này dựa trên ước tính khoảng 16 triệu người Việt có thể đi du lịch nước ngoài trong năm nay, song thị trường du lịch quốc tế gần như đã “đóng băng” nên sẽ quay về du lịch nội địa.
Báo cáo đánh giá của Google về xu hướng du lịch của người Việt sau giãn cách cũng thể hiện khá rõ điều này. Cụ thể, lượng tìm kiếm liên quan tới du lịch biển đảo ở Việt Nam tăng gấp đôi. Những điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất là Vũng Tàu, Phú Quốc, Nha Trang, Cam Ranh, Quy Nhơn, vịnh Hạ Long… Lượng tìm kiếm liên quan tới công viên, vườn quốc gia trong nước cũng đã tăng thêm 25%.
Thực tế, nhu cầu du lịch trở lại sau dịch cùng với hiệu quả của những gói ưu đãi kích cầu đã bắt đầu phát huy tác dụng. Đơn cử, chính sách miễn phí 100% vé vào các khu di tích đã giúp cố đô thu hút hơn 22.000 lượt du khách dịp lễ 30.4 – 1.5. Cùng dịp lễ này, khoảng 23.000 du khách đã đăng ký đặt phòng qua khách sạn để đến tham quan TP.Đà Lạt, khiến TP này thậm chí “thất thủ” do hệ thống khách sạn bị động, chưa kịp đáp ứng đủ nhu cầu người dân. Trong 4 ngày nghỉ lễ, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội cũng đạt hơn 21.000 lượt. Nhu cầu nghỉ dưỡng tại một số khu du lịch đạt từ khoảng 60 – 68%. Ngày 22.5, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, Sở Thông tin – Truyền thông và Hiệp Hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa tổ chức họp báo công bố chương trình kích cầu du lịch Khánh Hòa năm 2020. Ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu kết thúc năm 2020, dự kiến đón được 3,2 triệu lượt khách, với trên 10 nghìn ngày lưu trú.
Cùng với sức bật của ngành du lịch sau thời gian bị nén lại bởi dịch Covid-19, nhiều ngành nghề khác cũng đã bắt đầu chuyển mình “phá băng”, trong đó phải kể đến bất động sản (BĐS) du lịch nghỉ dưỡng.
Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS VN (VNREA) Đoàn Văn Bình nhận định cùng với khả năng phục hồi nhanh của ngành du lịch, BĐS du lịch sẽ là ngành có khả năng phục hồi nhanh. Những nỗ lực và cách thức VN chống dịch vừa qua đã “ghi điểm” rất lớn trong mắt cộng đồng quốc tế. “Nổi lên là điểm đến an toàn, nhóm BĐS nghỉ dưỡng của VN sẽ được hưởng lợi và sẽ hồi phục nhanh chóng. Trước hết, dựa trên nhu cầu nội địa và sau đó từ các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc khi dần mở cửa trở lại thị trường quốc tế”, vị này nói.
Bất động sản nghỉ dưỡng hấp dẫn
Dù loại hình BĐS nghỉ dưỡng phát triển khá mạnh thời gian qua, nhưng thực tế thì VN vẫn còn có quá ít cơ sở có chất lượng phục vụ du lịch cao cấp. Tính đến hết năm 2018, trong 15.626 cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước với tổng số 353.293 phòng, chỉ có 965 cơ sở từ 3 sao trở lên, chiếm khoảng 6%, số phòng chiếm 35,9%. Còn lại là các khách sạn 2 – 1 – 0 sao, các nhà nghỉ, homestay bình dân. Trong khi đó, du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp lại là định hướng phát triển mà ngành du lịch VN đang theo đuổi.TS Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), cho rằng hiện nay tất cả mọi kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, các kênh đầu tư trực tiếp đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong tương lai, có 2 kênh đầu tư sẽ phát triển mạnh và hấp dẫn, đó là vàng và BĐS. Trong đó, phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng chắc chắn phát triển mạnh mẽ.Ông Hiếu phân tích: Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, kéo theo giá BĐS ngày càng tăng cao. Các phân khúc BĐS thương mại, nhà ở hay công nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tốc độ phát triển của kinh tế nội địa, trong khi BĐS nghỉ dưỡng còn phụ thuộc vào sự phát triển của kinh tế thế giới.
“Với những tiềm năng và định hướng phát triển trong tương lai đã được xác định rõ, ngành du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh, tiềm năng lớn của BĐS nghỉ dưỡng là điều không còn phải bàn cãi”, ông Hiếu khẳng định.
Theo Thanh Niên